Tiêu chuẩn nào để chẩn đoán trẻ nhỏ gặp rối loạn phổ tự kỷ?

Nhiều người cho rằng tất cả những em bé đi nhón gót, không biết nói hoặc thích chơi 1 mình là những em bé tự kỷ. Tuy nhiên để chẩn đoán trẻ nhỏ tự kỷ cần được thông qua các công cụ đánh giá và có tiêu chuẩn chẩn đoán riêng. Việc đánh giá một trẻ nhỏ tự kỷ cần được thực hiện bởi bác sĩ hoặc những nhà tâm lí lâm sàng, nhà giáo dục đặc biệt được đào tạo về đánh giá trong lĩnh vực trẻ tự kỷ. Các tiêu chuẩn này cần tuân theo tiêu chuẩn khoa học và được chứng minh khoa học trong nước cũng như thế giới. DSM5 chính là công cụ được công nhận là tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng tự kỷ một cách khoa học và được sử dụng rộng rãi trên thế giới cũng như trong và ngoài nước.

Tiêu chuẩn nào để chẩn đoán trẻ nhỏ gặp rối loạn phổ tự kỷ?

Trong DSM 5 chính thức xóa tên những dạng tự kỷ đã từng được chẩn đoán độc lập trước đây, bao gồm Rối Loạn Tự Kỷ (Autistic Disorder), Rối Loạn Asperger (Asperger’s Disorder), Rối Loạn Phát Triển Bao Quát – Không Phân Định Rõ (Pervasive Developmental Disorder – Not Otherwise Specified or PDD-NOS). Tuy nhiên, thay vì quyết định xóa sổ vĩnh viễn, Hiệp Hội Tâm Thần Học đã gom tụ những dạng tự kỷ dưới một chiếc dù lớn, gọi chung là Tự Kỷ Tổng Hợp (Autism Spectrum Disorder or ASD) với 3 bậc thang hỗ trợ dựa vào sự chẩn đoán tự kỷ nặng nhẹ khác nhau.

Theo DSM – 5, trẻ có chẩn đoán bị bệnh Tự Kỷ Tổng Hợp phải thỏa mãn những điều kiện quy định trong 4 nhóm A, B, C, D.

Nhóm A: Khiếm khuyết về giao tiếp xã hội. Trẻ ASD phải hội đủ tất cả 3 tiệu chuẩn dưới đây:

1) Trẻ biểu hiện sự vô cảm, không biết rung động, chia sẻ tình cảm, sở thích của mình với người khác, không thể bắt chuyện, nhập chuyện, và cách đối đáp trong giao tiếp xã hội rất khác thường.

2) Trẻ có những khiếm khuyết về sự bày tỏ cử chỉ, hành vi, dùng lời và không dùng lời, qua sự giao tiếp bằng mắt, không thể hiểu và diễn đạt bằng điệu bộ, hoặc bày tỏ cảm xúc trên nét mặt.

3) Trẻ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kết bạn và duy trì tình bạn, ngoài trừ cha mẹ và những người chăm sóc khác, không thể thay đổi hành vi theo sự đòi hỏi của mọi người trong những nơi chốn khác nhau, thiếu khả năng chơi giả vờ, và không có hứng thú sinh hoạt chung theo nhóm.

Trẻ không chia sẻ tình cảm, sở thích với người khác.

Nhóm B: Những giới hạn, lặp lại, rập khuôn về hành vi, sở thích, và hoạt động. Trẻ ASD phải hội đủ tối thiểu 2 trong 4 tiêu chuẩn dưới đây:

1) Trẻ nói lặp lại. Hoạt động tay chân hay sử dụng đồ vật theo lối rập khuôn.

2) Trẻ khăng khăng muốn giữ nguyên nề nếp, thói quen, thường chống lại sự đổi thay trong môi trường sinh hoạt hằng ngày.

3) Trẻ bị cuốn hút vào những sở thích “độc nhất vô nhị”, chẳng hạn thích sưu tầm những chủ đề về thời tiết, lịch trình xe buýt, tạp chí…

4) Phản ứng mạnh hay thiếu phản ứng đối với những tác động thuộc về giác quan. Ví dụ, trẻ không cảm nhận được nhiệt độ lạnh hay nóng, không có cảm giác đau đớn khi ngã té, trầy trụa đến chảy máu, nhạy cảm đối với âm thanh, vải sợi, ngửi và sờ chạm vật thể nào đó quá mức bình thường, hoặc có những hành vi tự kích như quay vòng đồ chơi, mê mẫn nhìn đèn điện, quạt xoay trên trần nhà.

Trẻ chống lại sự đổi thay trong môi trường sinh hoạt hằng ngày.

Nhóm C: Những khiếm khuyết hay những triệu chứng trên phải biểu hiện lúc trẻ còn nhỏ tuổi nhưng có thể chưa lộ rõ cho đến khi sự đòi hỏi của xã hội vượt xa so với khả năng hạn chế của trẻ.

Nhóm D: Những triệu chứng nêu trên có ảnh hưởng đối nghịch và hạn chế khả năng sinh hoạt hằng ngày của trẻ.

Nhóm E: Những triệu chứng nêu trên không thể giải thích được bởi khuyết tật trí tuệ hay sự chậm phát triển bao quát của trẻ. Tự Kỷ Tổng Hợp thường đi đôi với khuyết tật trí tuệ. Trong trường hợp có sự chẩn đoán này (comorbid conditions), khả năng giao tiếp xã hội của trẻ phải ở dưới mức trung bình so với những trẻ có sự phát triển ngôn ngữ bình thường và đúng theo độ tuổi.

Trẻ hạn chế khả năng sinh hoạt hàng ngày.

Hầu hết khoảng 70% trẻ nhỏ gặp rối loạn phổ tự kỷ thường kèm theo khuyết tật trí tuệ hoặc một số khó khăn khác như khiếm khuyết về ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý, rối loạn lưỡng cực…..vì vậy cần phải có các mức độ chăm sóc nhất định để hỗ trợ trẻ hòa nhập.

Các bậc thang hỗ trợ cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ chia thành 3 bậc hỗ trợ như sau:

Bậc 3 (Level 3): Đòi hỏi sự hỗ trợ tối đa.

Trẻ ASD có những khiếm khuyết nghiêm trọng về kỹ năng giao tiếp xã hội bằng lời và không bằng lời, không có khả năng đối đáp nhằm tạo nên sự thân mật trong quan hệ xã hội, dễ bị cuốn hút bởi những chủ đề hay hoạt động nào đó, chỉ muốn thỏa mãn nhu cầu cá biệt và không quan tâm đến cảm xúc của người đối thoại, thường có những hành vi lặp lại, cử chỉ vụng về, thích duy trì nề nếp, thói quen, luôn chống đối những đổi thay trong đời sống.

Bậc 2 (Level 2): Đòi hỏi sự hỗ trợ tích cực.

Trẻ ASD biểu hiện rõ những khiếm khuyết về giao tiếp xã hội bằng lời và không bằng lời, cho dù đang được cung cấp những dịch vụ trị liệu. Trẻ ASD nhập chuyện hay đáp ứng bất thường, tỏ ra không hứng thú đối với sự quan tâm, thân mật của những người chung quanh. Ngoài ra, những giới hạn, lặp đi lặp lại, rập khuôn về hành vi, sở thích và hoạt động của trẻ ASD rất dễ nhận biết bởi người thường. Trẻ ASD dễ điên tiết khi mọi điều quen thuộc bị xáo trộn, và rất khó cho người chăm sóc điều chỉnh hay hướng dẫn trẻ trở lại công việc mong muốn một khi trẻ bị lôi cuốn bởi vật thể, sở thích, hay chủ đề nào đó.

Bậc 1: Đòi hỏi sự hỗ trợ cần thiết.

Nếu không có dịch vụ trợ giúp thì khiếm khuyết về giao tiếp xã hội của trẻ ASD sẽ biểu lộ rõ nét theo thời gian. Trẻ ASD thường gặp nhiều khó khăn khi bắt chuyện hay đối đáp trong giao tiếp; mức độ quan tâm, gần gũi với mọi người ngày càng giảm thiểu; sự rập khuôn về hành vi, sở thích, hoạt động có ảnh hưởng nghiêm trọng và đối nghịch về mọi mặt trong đời sống của trẻ.

Blue Sky – Đồng hành cùng phụ huynh trên chặng đường can thiệp.

Như vậy tùy thuộc vào mức độ tự kỷ mà các mức độ hỗ trợ cũng khác nhau nhằm đảm bảo cho sự và phát triển của đứa trẻ. Ngoài ra cũng tùy thuộc vào quan điểm, nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi gia đình mà chúng ta lựa chọn hình thức hỗ trợ cho trẻ nhỏ tự kỷ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình ấy.