
Làm thế nào để dạy trẻ tự kỷ biết thể hiện nhu cầu của bản thân
Nội dung bài viết
Sắp đặt môi trường
Cha mẹ hãy đặt những đồ chơi hoặc đồ ăn yêu thích của trẻ ở những nơi xa tầm với của trẻ hoặc trong các hộp chứa có nắp đậy chặt. Đây là lúc trẻ cần đến sự giúp đỡ của cha mẹ và sẽ phải sử dụng cử chỉ điệu bộ, hình ảnh hoặc các cụm từ đơn giản để giao tiếp thể hiện nhu cầu với cha mẹ để mong muốn ba mẹ lấy giúp những đồ chơi đồ ăn đó hoặc mở nắp hộp ra để lấy được đồ ăn trong hộp
Xác định sở thích của trẻ
Việc xác định những hoạt động, trò chơi, hay thức ăn mà trẻ yêu thích là rất quan trọng. Đây sẽ là những thứ đầu tiên trẻ cần sự giúp đỡ từ cha mẹ. Do đó, cha mẹ hãy lập một danh sách những thứ trẻ thích, xếp hạng được thứ tự với những thứ đồ ăn đồ chơi yêu thích của trẻ để những thứ này luôn có ở trong nhà để luyện tập cùng trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cần dạy con các từ ngữ để xác định những thứ trẻ muốn. Ví dụ, khi trẻ muốn lấy bánh, cha mẹ có thể dạy trẻ nói “ăn bánh”.
Làm mẫu và luyện tập với trẻ
Nếu trẻ muốn với lấy một thứ gì đó, cha mẹ hãy lập tức đưa ra gợi ý bằng lời cho trẻ, ví dụ nói “bóng” hoặc “con muốn bóng,” tùy thuộc vào khả năng của trẻ. Khi trẻ đã bắt chước được khoảng 80%, cha mẹ chỉ cần cho trẻ xem một vật mà trẻ muốn, ví dụ như quả bóng, và giữ im lặng chờ đợi cho tới khi trẻ tự nói “bóng” hoặc “con muốn bóng” để khuyến khích con giao tiếp chủ động. Nếu trẻ không thể bắt chước, cha mẹ tiếp tục đưa ra những gợi ý để trẻ tự đưa ra yêu cầu trước khi đưa ngay thứ đó cho trẻ. Cha mẹ không được quên khen ngợi và ôm trẻ khi trẻ tự nói ra yêu cầu hoặc ngay cả khi trẻ chỉ cần cố gắng bắt chước để động viên trẻ cố gắng. 3 bước vô cùng đơn giản nhưng con sẽ cần một khoảng thời gian nhất định mới có thể biết thể hiện nhu cầu của bản thân.