Bắt tay vào chặng đường can thiệp cho con mỗi bậc cha mẹ đều mong muốn nhanh chóng thấy được hiệu quả can thiệp. Tuy nhiên tiêu chuẩn nào để đánh giá là “ có hiệu quả” thì các bậc cha mẹ lại thường có ít người hiểu để đánh giá hiệu quả can thiệp cho con. Hầu hết khi được hỏi các phụ huynh đều cho rằng: “khi con mình nói được, tức là can thiệp có hiệu quả”. Việc “Biết nói” dường như trở thành thước đo để đo lường sự tiến bộ của con khi theo can thiệp tại trung tâm đó. Rất ít phụ huynh có thể đưa ra nhận định của mình về việc đo lường sự tiến bộ của con trong từng lĩnh vực phát triển. Việc đưa ra một mốc thời gian chính xác trên từng đứa trẻ để cha mẹ có thể nhìn nhận được sự tiến bộ của bé thông thường rất khó bởi sự tiến bộ của bé đó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.
Thời gian để thể hiện hiệu quả can thiệp trên mỗi bé là khác nhau ( ảnh: Blue Sky cơ sở 2, Phủ Lý- Hà Nam).
Phương pháp nghiệp vụ của giáo viên chính là một yếu tố tiền đề để kích thích sự tiến bộ của bé đó. Song năng lực của bé, dạng rối loạn và mức độ rối loạn của bé cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự tiến bộ của trẻ. Nói như vậy không có nghĩa rằng tất cả những trẻ can thiệp gặp các rối loạn ở mức độ nặng hoặc ít thực lực thì tức là trẻ không có sự tiến bộ hoặc tiến bộ cực kì chậm. Theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực can thiệp cho thấy: Thông thường khoảng sau 3 tháng can thiệp tích cực bao gồm giờ can thiệp cá nhân 1-1 hoặc kết hợp can thiệp nhóm hoặc học hòa nhập là các bé bắt đầu có sự tiến bộ nhất định trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên sự tiến bộ của bé nằm trong lĩnh vực nào còn phải phụ thuộc vào năng lực của trẻ trong lĩnh vực ấy. Có những trẻ chỉ tiến bộ trong kĩ năng xã hội, có những trẻ lại tiến bộ nhiều trong lĩnh vực nhận thức nhưng lại cũng có những trẻ có thể tiến bộ cả ngôn ngữ thể hiện lẫn ngôn ngữ nói song song cùng các lĩnh vực còn lại.
Có những trẻ chỉ tiến bộ trong 1 lĩnh vực nhỏ nhưng có những trẻ lại tiến bộ đều trong tất cả các lĩnh vực.
Vì vậy việc đánh giá sự tiến bộ của đứa trẻ cần được nhìn nhận trong từng lĩnh vực cụ thể thông qua đánh giá kế hoạch, mục tiêu được thiết lập ban đầu bởi người dạy, giáo viên hay nhà chuyên gia. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể nhìn nhận trên tổng thể các lĩnh vực khi con sinh hoạt hoặc chơi tại nhà. Khoảng thời gian 3 tháng chỉ là một trong những khoảng thời gian quan trọng để cha mẹ nhìn nhận sự thay đổi của con trong hành trình can thiệp. Việc nhìn nhận sự tiến bộ cần được cha mẹ hiểu và nhìn nhận thấu đáo trong từng lĩnh vực phát triển để ghi nhận những tiến bộ dù là nhỏ nhất của trẻ trong chặng đường can thiệp ấy.