Ăn vạ hay còn được gọi là “ hành vi không phù hợp” thường được giới chuyên môn và cha mẹ gọi tên để nhận diện các thái độ tiêu cực của trẻ trong các tình huống liên quan đến cuộc sống hàng ngày của trẻ. Khi ăn vạ trẻ thường có các biểu hiện như: khóc, la hét, đập đồ, ném đồ, tự làm đau bản thân hoặc làm đau người khác…. tất cả những hành vi này còn được gọi là hành vi không phù hợp, cần phải có những điều chỉnh để hạn chế xảy ra đồng thời tăng được hiệu quả can thiệp của cha mẹ với con tại nhà.
Nhiều cha mẹ đều đặt ra câu hỏi: Tại sao con ở lớp hợp tác với chuyên viên can thiệp rất tốt nhưng về nhà với cha mẹ lại thiếu hợp tác và không đạt được hiệu quả học và chơi như mong đợi? Nguyên do chính của câu hỏi này là do cha mẹ vẫn chưa thực sự hiểu về con, hiểu về khó khăn của con cũng như các nguyên tắc trong quản lý hành vi khi hành vi ăn vạ của con xảy ra.
Trước tiên, để khắc phục được hành vi này của con cha mẹ cần có thời gian tìm hiểu nguyên nhân của hành vi đó, ví dụ: con ăn vạ do đòi đồ ăn mìn thích nhưng không được, con ăn vạ do bị anh lấy mất đồ chơi yêu thích hoặc ăn vạ do bố mẹ không đáp ứng 1 yêu cầu nào đó… tất cả các hành vi ăn vạ này đều có nguyên do nhất định, vì vậy cha mẹ cần phải tìm hiểu nguyên nhân của hành vi ăn vạ đó trước.
Đối với trẻ rối loạn phát triển khi trẻ ăn vạ thường tập trung vào các nguyên nhân sau: 1. Trẻ đòi đồ ăn, đồ chơi yêu thích( mong muốn được đáp ứng nhu cầu bị từ chối), 2. Trẻ né tránh, từ chối nhiệm vụ, 3. Trẻ mong muốn thu hút được sự chú ý của người khác và thứ 4. Trẻ gặp rối loạn cảm xúc. Trong tất cả các nhóm nguyên nhân này khi hành vi ăn vạ của con diễn ra cha mẹ cần xem xét cân nhắc các nguyên nhân để tìm ra nguyên nhân chính xác nhất. Từ việc tìm hiểu kĩ được nguyên nhân chính xác nhất ta mới có thể đưa ra cách khắc phục hành vi hiệu quả. Ngoài ra cha mẹ cần lưu ý nguyên tắc để giảm thiểu hành vi không phù hợp là cần: THIẾT LẬP MÔI TRƯỜNG KHÔNG CHO CƠ HỘI HÀNH VI XUẤT HIỆN , điều này có nghĩa rằng, cần ưu tiên tạo ra một môi trường không có cơ hội để hành vi được xuất hiện trước. Nếu trong điều kiện bất khả kháng khiến cho hành vi đã xuất hiện rồi thì cha mẹ mới quay lại đồng hành và xử lý hành vi đó cùng con. Ví dụ, nếu con thường xuyên đòi uống sữa vào giờ không phù hợp ở nhà thì thay vì để sữa ở vị trí mà trẻ nhìn thấy hãy đặt sữa ở vị trí mà trẻ không nhìn được, đợi sau giờ tắm giờ ăn xong rồi mới lấy sữa ra đưa cho con. Trên thực tế thì việc sắp xếp môi trường để giảm việc ăn vạ chính là cách để giảm cẳng thẳng và giảm hành vi tốt nhất.
Ngược lại trong trường hợp hành vi đã xảy ra việc đầu tiên cha mẹ cần làm là thấu hiểu cảm xúc của bé, tìm hiểu đúng nguyên nhân khiến con ăn vạ, xem xét xem mức độ hiểu của con đến đâu, nếu có thể thỏa thuận bằng cách trao đổi hoặc các quy tắc thì sẽ trao đổi thỏa thuận/ sử dụng quy tắc với con để tháo gỡ hành vi, nếu khả năng hiểu của con còn hạn chế thì cần phải giúp con cân bằng cảm xúc bằng việc đáp ứng nhu cầu của con hoặc thu hút sự chú ý của con sang hoạt động khác để cơn hành vi mau chóng qua đi.
Tóm lại để cân nhắc xem bé phù hợp với hình thức xử trí nào còn tùy thuộc vào khả năng nhận thức, ngôn ngữ hiểu của bé. Vậy cha mẹ vẫn cần là người hiểu năng lực của con để tạo ra môi trường phù hợp cũng như cách hạn chế hành vi ăn vạ hiệu quả cho con.